Hậu trường Chân trời tím (phim)

Đầu năm 1971, tại Sài Gòn, một tổ hợp gồm 7 doanh nhân ngành công nghiệp điện ảnh đã thành lập một liên doanh để huy động vốn thực hiện một cuốn phim hoành tráng về tình yêu và chiến tranh tại Việt Nam, lấy tên là Liên Ảnh (gọi tắt của Liên Hiệp Điện Ảnh Việt Nam). Ý tưởng để thực hiện là đưa nội dung cuốn tiểu thuyết "Chân trời tím" của nhà văn Văn Quang lên màn bạc, nhưng yêu cầu không phải là một sản phẩm mì ăn liền mà phải là một bộ phim mang tầm vóc kinh điển. Không hãng phim riêng lẻ nào đủ sức gồng chi phí làm phim dự kiến sẽ rất lớn lao, nên việc huy động lập liên doanh chung vốn được sáng kiến và đồng thuận sau thời gian ngắn bàn bạc. Trọng trách đạo diễn cuốn phim được nhắm cho ông Lê Hoàng Hoa, một tên tuổi hàng đầu trong làng điện ảnh, còn hai vai chính nam nữ sẽ mời Hùng CườngKim Vui, hai ca sĩ thanh sắc vẹn toàn bấy giờ. Ngoài giàn giáo đó, Liên Ảnh còn tính chu đáo đến từng giem, sẽ mời hầu hết những gương mặt nghệ sĩ nào có tiếng tăm tại Sài Gòn vào các vai phụ để đảm bảo sức thu hút khán và cả doanh thu.

Hùng Cường vào vai Phi súng máy, một hạ sĩ thuộc binh chủng thiết giáp dưới quyền chỉ huy của viên thiếu tá trung đoàn trưởng có hai con gái xinh đẹp. Thiếu tá này ngoài đời cũng mang hàm thiếu tá, nhưng thuộc bên không quân, là ông Trần Đỗ Cung. Ngoài ra, sự kỹ lưỡng đến cả phần viết lời đối thoại khi liên hiệp phim mời chính nhà văn Văn Quang cùng Mai Thảo, một nhà văn khác biên thoại. Hai tác phẩm Nghìn trùng xa cách của Phạm DuyNgười đi qua đời tôi của Phạm Đình Chương được dự kiến làm nhạc nền cho cuốn phim, sau còn có cả Trần Thiện Thanh soạn thêm bài Chân trời tím rất bám sát nội dung. Cô Lê Hiền là giọng lồng tiếng cho cả Kim VuiMộng Tuyền.

Bối cảnh thời gian xảy ra của tác phẩm là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa, trong đó đỉnh điểm là cuộc chính biến lật đổ Ngô Đình Diệm mà vai chánh Phi bị cuốn hút vào đó. Không gian là vài cảnh chiến trường chủ yếu tại miền Nam thời bấy giờ và ngoại cảnh chính yếu là thủ đô Sài Gòn và cảnh quan biển ở Vũng Tàu. Phim huy động được cả sự hỗ trợ của quân lực, cảnh trận đánh tại một tiền đồn miền duyên hải đã có sự tham dự của không quân, bộ binh và thiết giáp thật, cùng một màn hành quân trực thăng vận công phu.

Được biết, vai ca sĩ Liên người tình của "Phi súng máy" thoạt đầu được nhắm cho minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Nhưng sau khi nghe vai "Phi súng máy" do Hùng Cường đảm nhận thì cô Thẩm tỏ ra lưỡng lự. Vốn dĩ thời này, các diễn viên đóng phim có bệnh sĩ nặng, kể cả những diễn viên quèn chuyên thủ vai phụ cũng thường ngầm cho rằng mình "sang" hơn những đào, kép cải lương (dù thu nhập bọt bèo và cuộc sống bấp bênh thua xa hẵn giới người họ chê - lời chê thường là "mùi cải lương, ngửi không vô" theo chính nghệ sĩ lão thành Năm Châu có lần cho hay).

Thấy mòi này, nhóm nhà đầu tư sản xuất phim e cô Thẩm nếu nhận vai cũng sẽ gắng gượng giả tạo, mất tự nhiên chăng, nhưng họ cũng chờ cho cô từ chối hẵn, bấy giờ một người sực nhớ đến Kim Vui cũng có vóc dáng sang đài các cùng gương mặt có những góc nhìn đẹp. Kim Vui cũng là một ca sĩ tân nhạc cùng nghề với Hùng Cường (điều mà cô Thẩm quên mất vì Hùng Cường bấy giờ hoạt động rất nổi bên địa hạt cải lương), dù anh vẫn khuấy động sân khấu ca nhạc với Mai Lê Huyền, nhưng cái "mùi cải lương" thì quá nặng trong trí óc xét nét của một số người thời đó. Kim Vui thì tất nhiên không nghe mùi gì ở Hùng Cường cả, trái lại khi biết Hùng Cường là vai nam chính cô còn vô cùng hớn hở vì sự thật, sự nghiệp bên tân nhạc của Hùng Cường vẫn sáng nước hơn cô nhiều, hơn nữa, cô cũng rất hâm mộ người đồng nghiệp này.

Bộ phim quay xong là một thành công lớn được hầu khắp các báo Sài Gòn ca ngợi. Phim được giải tổng thống năm 1971. Đích thân tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã trao tặng Kim Vui tượng vàng nữ diễn viên xuất sắc trong đêm liên hoan trao giải tại dinh Độc Lập.

— Thẩm Thúy Hằng chê cải lương, mất tượng vàng

Nhạc nền

  • Nửa hồn thương đau
    Sáng tác: Phạm Đình Chương
    Trình bày: Thái Thanh
  • Chân trời tím
    Sáng tác: Trần Thiện Thanh
    Trình bày: Thanh Lan
    Ca khúc "Chân Trời Tím" của Trần Thiện Thanh ra đời trước khi phim "Chân Trời Tím" được bấm máy. Đó là cảm xúc của Trần Thiện Thanh sau khi đọc xong tác phẩm "Chân Trời Tím" của Văn Quang. Bài hát này không có sử dụng trong phim "Chân Trời Tím". Hai ca khúc của Phạm Đình Chương viết riêng cho phim "Chân trời Tím" là Nửa Hồn Thương Đau và Người Đi Qua Đời Tôi. Cả hai đều do giọng của ca sĩ Thái Thanh hát - Hòa âm Hoàng Trọng.

Vinh danh